Bất ngờ miễn thuế 10 triệu tấn đậu nành nhập từ Mỹ, chính quyền Tập Cận Bình đang thỏa hiệp?

23/10/2019 18:37 GMT+7
Chính quyền Tập Cận Bình hôm 22/10 đã đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho 10 triệu tấn đậu nành nhập từ Mỹ, tin tức đăng tải trên tờ Reuters.
Bất ngờ miễn thuế 10 triệu tấn đậu nành nhập từ Mỹ, chính quyền Tập Cận Bình đang thỏa hiệp? - Ảnh 1.

Chính quyền Tập Cận BÌnh bất ngờ miễn thuế cho 10 triệu tấn đậu nành nhập khẩu từ Mỹ

Hạn ngạch 10 triệu tấn đậu nành không phải chịu thuế sẽ được Bắc Kinh cấp cho các công ty nhà nước, công ty tư nhân và cả công ty thương mại nước ngoài nhưng có trụ sở và nhà máy chế biến đậu nành đặt tại Trung Quốc, cũng theo tin tức trên Reuters.

Dù được Trung Quốc mở cửa nhưng các doanh nghiệp nội địa đã không thể ào ạt nhập đậu nành ngay sau thông báo kể trên, do giá nông sản tại Mỹ hiện vẫn đang ở mức cao. Như vậy, kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Mỹ vào Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu đột phá bất chấp tuyên bố của Tổng thống Donald Trump sau đàm phán thương mại rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu nông sản Mỹ, và rằng một làn sóng nông sản sắp giúp nông dân Mỹ thoát khỏi cảnh ế ẩm.

Động thái của chính quyền Tập Cận Bình đến vào 2 tuần sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ để đổi lại việc Mỹ đình chỉ kế hoạch tăng thuế với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc vốn dự định có hiệu lực vào 15/10. Tuy nhiên, cơ quan truyền thông và quan chức Trung Quốc sau đó đều không xác nhận con số cụ thể nêu trên, mà chỉ hứa hẹn sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ dựa trên nhu cầu thực tế trong nước mà thôi. 

Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng con số 40-50 tỷ USD nông sản là quá khổng lồ so với kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc hàng năm. Thậm chí khoảng 1 tuần sau đàm phán, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh nhập khẩu gần 500.000 tấn đậu nành từ Brazil với ước tính trị giá lên tới 173 triệu USD mà tuyệt nhiên không đả động gì đến cam kết mua nông sản Mỹ. 

Vậy nên, động thái cấp hạn ngạch 10 triệu tấn đậu nành không thuế quan này được xem như một dấu hiệu tích cực thể hiện thiện chí của chính quyền Tập Cận Bình trước khi hai bên soạn thảo xong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Chỉ 1 ngày trước đây, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ hy vọng một thỏa thuận Mỹ Trung sẽ được ký kết vào tháng 11 tới. Đáp lại sự lạc quan của ông Trump, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên bàn đàm phán.

Vấn đề nông sản Mỹ từ lâu đã là một trong những điểm nóng trên bàn đàm phán Mỹ Trung. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn bậc nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Sau khi đàm phán đổ bể hồi tháng 5 và chính quyền Tập Cận Bình quyết định ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ, nông dân Mỹ đã điêu đứng suốt một thời gian dài. Đậu nành lại là một trong những nông sản thế mạnh của Mỹ và có giá trị lợi nhuận cao bậc nhất, do đó việc tìm đầu ra cho xuất khẩu đậu nành là một bài toán mà Chính quyền Trump buộc phải ráo riết thúc đẩy để kinh tế Mỹ không rơi vào giảm tốc.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến Donald Trump buộc Bắc Kinh tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ, đó là cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 sắp đến gần. Nông dân Mỹ là một trong những động lực quan trọng có thể giúp Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai (2020-2024), một thỏa thuận thương mại với điều khoản Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản chắc chắn sẽ là tấm thảm trải đường cho ông Trump trên hành trình tranh cử.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng việc chính quyền Tập Cận Bình cấp hạn ngạch 10 triệu tấn đậu nành có phần nhiều nguyên nhân nằm ở chính nền kinh tế Trung Quốc với lạm phát tiêu dùng tăng phi mã. Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành đã làm giảm phân nửa quy mô đàn lợn Trung Quốc, gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trầm trọng. Giá thịt lợn tại Trung Quốc tháng 9/2019 đã tăng tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo đó là lạm phạt các mặt hàng thực phẩm nói riêng và lạm phát tiêu dùng nói chung. Việc đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn và đậu nành Mỹ lúc này chính là một phần lời giải cho bài toán xoa dịu lạm phát của Chính quyền Tập Cận Bình.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo thị trường không nên quá lạc quan vào những dấu hiệu xuống thang chiến tranh thương mại này, cho đến khi hai bên chính thức ký tên lên thỏa thuận thương mại cuối cùng một cách toàn diện.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục