Báo tin ngàn tỷ, tính làm lớn tỷ phú Việt ăn Tết to

23/01/2020 17:11 GMT+7
Năm 2019 các đại gia Việt chứng kiến hàng loạt những biến động lớn, từ chuyển đổi chiến lược, tái cơ cấu... nổi lên là những cú bắt tay, những thương vụ thuần Việt nhằm giữ lại thị phần, xây dựng vị thế cho DN nội ngay trên sân nhà.

Ồ ạt báo lãi lớn

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố kết quả kinh doanh năm tài chính 2019 với lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty tăng 13% so với năm 2018 lên 5.558 tỷ đồng nhờ tăng trưởng hai con số từ mảng thức ăn chăn nuôi; thu nhập bất thường ở mảng khai khoáng và tiết kiện chi phía hoạt động...

Trong năm 2019, Masan ghi nhận doanh thu hợp nhất 37.354 tỷ đồng, giảm 2,2% so với mức 38.188 tỷ đồng trong năm 2018. Tuy nhiên, tập đoàn của ông Nguyễn Đăng Quang tiết kiệm 28,8% chi phí tài chính hợp nhất.

Như vậy, Masan Group là tập đoàn tiếp theo ghi nhận lợi nhuận ngàn tỷ sau hàng loạt các ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng, đồ uống nước giải khát, hạ tầng, hàng không và tài chính…

CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông Nguyễn Duy Hưng cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 1.013,5 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra cho cả năm với thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ dần đầu 2 Sở GDCK HNX và HOSE, lần lượt ở mức 9,7% và 13,96%.

Báo tin ngàn tỷ, tính làm lớn tỷ phú Việt ăn Tết to - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt ồ ạt báo lãi ngàn tỷ, tỷ USD.

Kết quả này khá tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa trải qua một năm đầy biến động với nhiều diễn biến nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư, giao dịch khá trầm lắng.

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong năm 2019 với lãi ròng hơn 5.050 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm trước.

Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) báo lợi nhuận cả năm tăng 13,5% lên gần 18,3 ngàn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 35% lên 8.343 tỷ đồng.

Trước đó, hàng loạt các ngân hàng lớn báo lãi trên chục ngàn tỷ đồng và một nhóm mới bứt phá gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận ngàn tỷ.

Trong năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, TTCK chứng kiến có doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tỷ USD trong một năm. Theo đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phẩn Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) ghi lợi nhuận kỷ lục 23.185 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Trước đó, hàng loạt các ngân hàng báo lãi ngàn tỷ, trong đó có nhiều tổ chức ghi nhận lãi trên 10 ngàn tỷ đồng trong năm 2019 như BIDV (10,8 ngàn tỷ đồng), Vietinbank (11,5 ngàn tỷ đồng), Agribank (gần 12 ngàn tỷ trong 11 tháng đầu năm).

Bên cạnh Big 4 các ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh, Techcombank (TCB) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh cũng có lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ. Hai ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ  là VPBank và MBBank.

Nhiều ngân hàng bứt phá mạnh mẽ và lọt nhóm có lợi nhuận ngàn tỷ trong 1-2 năm gần đây trong một cuộc đua nóng vào thập kỷ mới.

Báo tin ngàn tỷ, tính làm lớn tỷ phú Việt ăn Tết to - Ảnh 2.

Bán lẻ của doanh nghiệp Việt ngày càng hiện đại hơn.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2019 đạt 4.082 tỷ đồng, tăng trưởng 49%. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) của nhà bà Nguyễn Thị Nga cũng đã báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 1.390 tỷ đồng, tăng hơn 123% so với năm 2018.

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2018 và vượt 22% kế hoạch năm. LienVietPostBank có lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước đó.

Thương vụ tỷ USD thuần Việt

Năm 2019 ghi nhận nhiều doanh nghiệp khác trên sàn có những cú hợp tác tỷ USD để bước vào thập kỷ mới. Hàng loạt các doanh nhân Việt dồn, mọi nguồn lực, chấp nhận chịu đựng để xây dựng những hệ sinh thái kinh doanh lớn trên thị trường nội địa, với mong muốn đổi thay và phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Đó là cú hợp tác trong lĩnh vực bán lẻ giữa VCM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với Masan của ông Nguyễn Đăng Quang; là cú bắt tay giữa Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương với Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh và HAGL của Bầu Đức…

Báo tin ngàn tỷ, tính làm lớn tỷ phú Việt ăn Tết to - Ảnh 3.

VCM là kênh bán lẻ chiếm 25% thị phần.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết, thương vụ sáp nhập VCM là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan. Theo ông Nguyễn Đăng Quang, việc kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại của VCM với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống trên toàn quốc của Masan tạo ra lợi thế vượt trội để Masan xây dựng một hệ thống bán lẻ hiện đại, xuyên suốt phục vụ người tiêu dùng. 2020 là năm Masan sẽ hiện thực hóa tầm nhìn này.

VCM dự kiến doanh thu đạt 45-48 ngàn tỷ đồng trong năm 2020. Trong khi MCH dự kiến doanh thu thuần năm 2020 dự kiến tăng 10-15%. Trước đó, MCH của Masan và VCM của Vingroup đã sáp nhập thành lập tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam. MSN là cổ đông sở hữu đa số cổ phần (nắm 70% cổ phần) của công ty mới. Công ty mới sẽ nắm giữ 85,7% cổ phần MCH and 83,7% cổ phần VCM. VCM hiện đang vận hành 134 siêu thị Vinmart, 2.888 cửa hàng Vinmart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi.

VCM được biết đến là nhà bán lẻ lớn nhất về số lượng điểm bán và chiếm 25% thị phần kênh bán lẻ hiện đại. Sản phẩm mới của Masan là MeatDeli hiện chiếm 60% thị phần tại Vinmart và hiện đã thử nghiệm thành công tại Vinmart+.

Này trước Tết, thị trường cũng chứng kiến thương vụ thuần Việt sau cú bắt tay của tỷ phú Trần Bá Dương với 'vua cá' Dương Ngọc Minh để cứu hệ thống DN của Hùng Vương thoát khỏi vũng lầy nợ và lỗ

Theo đó, công ty con Thadi của Thaco sẽ đầu tư vào HVG với tỷ lệ 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức phó chủ tịch HĐQT, giám đốc tài chính, chuyên gia kỹ thuật và hỗ trợ bán hàng, đồng thời hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Thadi cũng sẽ đầu tư 65% vào liên doanh mới giữa Thadi và HVG trong mảng sản xuất heo giống (bố mẹ) với quy mô 45.000 con trong năm 2020. Tổng giá trị đầu tư là 2.000 tỷ đồng, được triển khai tại An Giang và Bình Định. Đợt đầu trong tháng 3/2020 có quy mô 15.000 con.

Cũng 2019, việc hợp tác 'giải cứu' Hoàng Anh Gia Lai cũng được tiếp tục. Sau gần 1 năm bắt tay giữa ông Trần Bá Dương và Đoàn Nguyên Đức thì Thaco đã bơm 22.194 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Đến nay, HAGL đã cơ bản ổn định dòng tiền và tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp.

Dự kiến, vào năm 2020, HAGL sẽ cân đối được thu chi, trong đó trả nợ tới hạn của ngân hàng và từng bước trả nợ dần cho THACO cả nợ THACO cho vay và nhận nợ thay. Điều này đã khiến cho hệ thống đầu tư nông nghiệp của HAGL thoát phá sản, còn THACO đã mở được cửa vào nông nghiệp một cách thành công.


M. Hà/Vietnamnet
Cùng chuyên mục