Báo NTNN/Dân Việt, Cục Trồng trọt tổ chức hội nghị trái cây Nam Bộ

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 17/12/2019 18:32 PM (GMT+7)
Hôm nay (17/12), tại TP.Cần Thơ, Cục Trồng trọt phối hợp với Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức hội nghị “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL”.
Bình luận 0

Hội nghị có hàng trăm doanh nghiệp, đại diện các HTX và các cơ quan chức năng vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL tham dự.

img

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phát biểu tại hội nghị

Mục tiêu của hội nghị lần này nhằm giúp đánh giá lại thực trạng sản xuất cây ăn trái những năm vừa qua. Từ đó, đưa ra những vấn đề cần giải quyết, khắc phục, giúp ngành trái cây đáp ứng tốt việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.

Tại đây, Cục Trồng trọt cho biết, thời gian qua, diện tích cây ăn trái ở các tỉnh phía Nam liên tục tăng. Đến nay, ước đạt trên 596.300 ha. Trong đó, ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam.

Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả trên còn ở mức phân tán, nhỏ lẻ và không tập trung. Từ đó, gây khó khăn cho khâu tổ chức liên kết sản xuất. Diện tích, sản lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn rất khiêm tốn, kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm thường phải qua nhiều khâu trung gian. Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng có nhiều lô hàng trái cây xuất đi được bán với giá thấp hoặc bị trả về.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, tới đây, phía Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, tuyên truyền, vận động người dân ý thức hơn về sản xuất cây ăn trái trong giai đoạn mới hiện nay, theo đó, người dân không còn nghĩ trồng cây ăn trái chỉ thuần tuý xem trọng về năng suất, sản lượng mà ở giá trị gia tăng.

img

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến cho hội nghị

Sau đó, người dân sẽ chuyển đổi vườn tạp không hiệu quả sang cây ăn trái hoặc chuyển từ vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang cây ăn trái khác mang lại kinh tế cao hơn, thay đổi tập quán canh tác cũ, tham gia vào quy trình canh tác hiện đại, áp dụng gói quy trình sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Tùng cho rằng, những vấn đề trên phải có lộ trình rất dài nhưng “chúng ta phải đi và đi từng bứớc”. Ông Tùng mong muốn hội nghị này như là một phát pháo đầu tiên trong việc xây dựng nhận thức mới về tập quán canh tác theo phương pháp hiện đại, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản có giá trị cao.

Cũng tại hội nghị, ông Tùng đã phát cho ngành nông nghiệp các địa phương sổ tay ghi chép nhật ký canh tác cây ăn trái theo hướng đạt các tiêu chí an toàn. Sau hội nghị, các địa phương sẽ phổ biến, hướng dẫn lại cho người dân thực hiện theo.

Sổ tay ghi chép trên sẽ giúp người dân liệt kê các hoạt động canh tác theo hướng VietGap, tính toán được giá thành sản xuất, hoàn thiện các kỹ thuật canh tác theo hướng dẫn một cách đầy đủ và trung thực.

Đồng tình với ông Tùng, ông Trần Thế Như Hiệp – đại diện Công ty TNHH Công nghệ NHONHO (Cần Thơ) nói “Khi sản xuất trái cây thì chúng ta phải vươn ra thế giới, để làm vậy phải có giải pháp liên kết và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua các chứng nhân Vietgap, Globalgap do thị trường nước ngoài đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Để được chứng nhận trên, người dân phải ghi chép nhật ký ở các khâu sản xuất, cách làm này còn giúp người dân biết mình lãng phí, bất cập ở khâu chăn sóc nào và giúp dân hình thành thói quen sản xuất mới”.

img

Ông Nguyễn Hoàng Cung – Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên

Ông Nguyễn Hoàng Cung – Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên (Cần Thơ) thì nói: “Người dân phải kết hợp với doanh nghiệp sản xuất từ đầu vụ, làm ra sản phẩm sạch theo một quy trình khép kín. Tuy nhiên, doanh nghiệp đó phải có đủ năng lực, kinh nghiệm trong kinh doanh và người dân khi hợp tác phải giữ uy tín, trồng và bán theo hợp đồng đã ký trước đó. Thực tế, thời gian qua, công ty phối hợp với nông dân rất thành công và chúng tôi hiện không đủ hàng để bán chứ không phải là không bán được hàng”.

img

Bà Trần Thị Oanh Yến - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam

Theo bà Trần Thị Oanh Yến - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, việc sản xuất cây ăn trái không đảm bảo an toàn luôn đi song hành với việc không bền vững, làm giảm khả năng tiếp cận thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, vấn đề này phải được người dân lưu ý, thay đổi cách sản xuất theo hướng an toàn.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay mà ngành sản xuất cây ăn quả ở ĐBSCL đang phải đối mặt đó là sự tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Về việc này, Viện Cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu các giống mới có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất, cho giá trị cao như: thanh long Ruột đỏ LĐ1, thanh long ruột tím hồng LĐ5, thanh long lai ruột trắng LĐ17, thanh long lai ruột trắng LĐ18, bưởi Đường lá cam ít hạt LĐ 4, cam Sành không hạt LĐ6, nhãn lai LĐ 11, xoài vỏ dày LĐ12, dứa lai LĐ 13, dứa GU044, chôm chôm CCBR3,... 

img

Ông Nguyễn Phước Tuyên - Giam đốc Công ty An Điền

Còn ông Nguyễn Phước Tuyên - Giam đốc Công ty An Điền (Đồng Tháp) thì cho hay, tại Đồng Tháp, xoài là 1 trong 5 ngành hàng được chọn để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, tỉnh đã thành lập được 4 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác sản xuất xoài liên kết cung cấp cho nhiều công ty để sản xuất xoài theo chuỗi giá trị.

Hiện nay, ngoài xoài trái tươi loại 1 xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, New Zealand…. một số công ty còn thu mua xoài loại 2 chế biến dạng gọt đông lạnh và loại 3 để sấy dẻo. Như vậy, nếu sắp xếp liên kết tốt, nhà vườn đều bán được tất cả các loại xoài trong vườn cho các công ty thu mua. Một hình thức liên kết khác ở Đồng Tháp dưới dạng hội quán, trong số 84 hội quán được thành lập ở Đồng Tháp, có 21 hội quán xoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem