dd/mm/yyyy

Bảo hiểm xã hội, điểm tựa cho nông dân nghèo

Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt chính sách, pháp luật trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tại địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Chính sách bảo hiểm đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bớt gánh nặng tài chính

Sơn La là địa bàn còn nhiều khó khăn về trình độ dân trí và điều kiện kinh tế xã hội, dân tộc thiểu số chiếm số đông, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Những năm qua, để chính sách chăm sóc sức khỏe người dân được toàn diện, BHXH tỉnh Sơn La đã chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát đối tượng thuộc diện Nhà nước cấp thẻ BHYT để cấp thẻ cho người dân. Nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được nâng cao.

Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân tham gia BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La.

 

Để hiểu rõ hơn lợi ích của BHYT đối với người nghèo, dân tộc thiểu số chúng tôi tìm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La (một trong những huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh), trong lúc rất đông nhân dân các xã đang tập trung về khám chữa bệnh tại đây. Có những bệnh nhân đã từng vào viện chữa bệnh 2 – 3 lần, với các chứng bệnh phổ biến như: Viêm dạ dày, viêm phổi, tuần hoàn não, thần kinh, ngộ độc… Tại đây, người bệnh được cán bộ, y, bác sỹ bệnh viện tận tình khám chữa bệnh, một số bệnh nhân đã khỏi bệnh chuẩn bị trở về nhà. Phần lớn các bệnh nhân đều được hưởng chính sách BHYT hỗ trợ nên ai cũng yên tâm, bớt nỗi lo gánh nặng tài chính.

Anh Cứ A Kỷ, dân tộc Mông, bản Hán Chạng (xã Chiềng Ân, huyện Mường La), đang làm thủ tục xuất viện cho bố mình, phấn khởi nói: Cách đây vài ngày bố tôi bỗng nhiên bị hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, không ăn không uống được gì. Đưa đến viện các bác sỹ khăm bảo bị suy nhược cơ thể, huyết áp, phải nằm viện nhiều ngày. Nghe tin tôi lo lắm, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả nhà gom lại chỉ được vài trăm bạc. Nhưng các bác sỹ bảo có BHYT sẽ không mất tiền chữa bệnh nên tôi mới hết lo. Làm thủ tục ra viện nhưng số tiền phải trả không đáng là bao. Đã thế trong thời gian chữa bệnh, người ốm còn được hỗ trợ cơm ăn, thuốc uống… mình chỉ việc chữa bệnh cho tốt. Giờ bố tôi đã khỏi bệnh tôi vui lắm.

Bà Lò Thị Pháư (ở bản Chà, thị trấn Ít Ong, Mường La), đang nằm điều trị tại Khoa gây mê Hồi sức cấp cứu chống độc, bảo rằng: Tôi bị ho và khó thở giờ nằm viện đã 2 ngày nay. Lần này là lần thứ 3 tôi nằm viện, mỗi lần đi chữa bệnh gần 10 ngày, mọi chi phí khám chữa bệnh được BHYT chi trả 100%, gia đình chỉ lo việc đi lại.

Hay như anh Lò Vă Ngoai (ở bản Chà, xã Pi Toong, Mường La) bị bệnh gan, căn bệnh quái ác ngày nào cũng hành hạ thân thể anh đau đớn. Gia đình nghèo đang nuôi 3 đứa con ăn học, đồng tiền kiếm được bao nhiêu đều dành hết cho các con. “Đến bệnh viện chữa bệnh chỉ có chỗ dựa duy nhất là tấm thẻ BHYT được cấp miễn phí. Nếu không có tấm thẻ BHYT này chắc gia đình tôi cũng đành buông xuôi vì hoàn cảnh rất khó khăn”, anh Ngoai tâm sự.

Bệnh nhân có BHYT sẽ giảm bớt được gánh nặng tài chính cho gia đình.

 

Lợi ích từ tấm thẻ BHYT

Có thể nói, thời gian qua chính sách BHYT đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người nghèo, dân tộc thiểu số giảm bớt được khó khăn. Có BHYT người dân như trút được gánh nặng tài chính khi ốm đau đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, được quỹ BHYT hỗ trợ chi trả viện phí. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ BHYT cũng đã giúp người dân nhận thức được ý nghĩa của việc khám chữa bệnh, bỏ dần các hủ tục lạc hậu ma chay, cúng bái… để đến bệnh viện.

Ông Lò Văn Tỉnh, Phó giám đốc Bệnh Viện Đa khoa huyện Mường La, cho biết: Mỗi ngày bệnh viện đón tiếp hàng chục lượt bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, hầu hết các bệnh nhân đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó khoảng 98% bệnh nhân được BHYT hỗ trợ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên họ đều nhận thức được giá trị của BHYT đối với bản thân và gia đình. Theo quy định của bảo hiểm, các bệnh nhân được hỗ trợ về thuốc men, viện phí, tiền ăn… thậm chí khi xuất viện người bệnh còn được hỗ trợ tiền đi lại.

“Đối với những bệnh nhân không có BHYT thì trong quá trình khám và điều trị, cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng tuyên truyền, vận động, khuyên người bệnh tham gia BHYT hộ gia đình để được hưởng các chế độ về bảo hiểm, bởi chi phí cho khám chữa bệnh rất tốn kém, gánh nặng tài chính của nhiều gia đình”, ông Tỉnh cho hay.

Người dân có BHYT tại các xã, bản vùng khó khăn đã yên tâm hơn khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Chính sách ưu tiên

Qua thực hiện chính sách BHXH, BHYT, những năm qua ngành BHXH tỉnh Sơn La tích cực chỉ đạo cơ quan bảo hiểm các huyện, thành phố trên địa bàn phối hợp với các địa phương rà soát các đối tượng người dân, hộ gia đình khó khăn chưa có thẻ BHYT để làm thủ tục cấp phát thẻ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT cho người dân hiểu và tham gia. Tạo điều kiện để người dân khám chữa bệnh tốt nhất, đặc biệt là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo thống kê, tính đến nay BHXH tỉnh Sơn La đã cấp cho 1.192.870 thẻ cho các đối tượng, bao gồm cả người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Trong 6 tháng năm 2019, chi khám chữa bệnh BHYT đạt 418.498 triệu đồng.

BHYT đã giúp cho người bệnh giảm được gánh nặng về tài chính. 

Hiện nay, ngành BHXH Sơn La đang tăng cường chỉ đạo cơ quan bảo hiểm các huyện, thành phố triển khai chặt chẽ công tác giám định bảo hiểm tại các cơ sở, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, công khai minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích cho người có bảo hiểm, chống thất thoát, trục lợi BHYT. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ, nhân viên BHXH các huyện, thành phố tăng cường bám sát địa bàn, rà soát đối tượng, kịp thời sửa đổi, bổ sung những thông tin không trùng khớp trên thẻ BHYT để người dân được chữa bệnh kịp thời.

Quốc Định